Phần mềm ôn thi sát hạch chứng chỉ hành nghề xây dựng

Tiêu đề: Bảo trì công trình xây dựng [In trang]

Tác giả: TamMinhNguyen    Thời gian: 26/4/2012 19:47
Tiêu đề: Bảo trì công trình xây dựng
Công tác bảo trì công trình xây dựng đóng góp phần quan trọng trong sử dụng hiệu quả công trình. Bảo trì công trình là các công tác xây dựng tiến hành sau khi công trình đã bàn giao, đưa vào sử dụng nhằm khai thác công trình hết và vượt tuổi thọ dự tính. Công tác bảo trì nhằm duy trì những đặc trưng kiến trúc, công năng công trình đảm bảo công trình được vận hành và khai thác phù hợp yêu cầu của thiết kế trong suốt quá trình vận hành sử dụng.

          Công tác bảo trì công trình được chú ý từ lâu nhưng các đơn vị quản lý và sử dụng công trình có nhiều khó khăn cả khách quan lẫn chủ quan trong việc lập dự án bảo trì, mà nguyên nhân cơ bản là do nguồn vốn hạn hẹp. Mặt khác, tình trạng chung là khi chưa thấy rõ hư hỏng thì không bảo trì, điều này không khác gì thấy bệnh thì chữa chưa thấy thì không phòng. Nguyên nhân chủ quan cũng xuất phát từ tình hình thực tế, đó là các công trình ở tỉnh Yên Bái đa số là công trình cấp nhỏ, ít được chú trọng đến bảo trì theo quy định ngoại trừ một số công trình văn hóa, di tích được xếp hạng. Một điều đáng lưu ý nữa là những người sử dụng các công trình đại đa số không phải là chuyên ngành về xây dựng, về căn bản chưa nắm rõ tầm quan trọng của bảo trì công trình, trong khi các nhà thầu tư vấn thiết kế hầu hết không lập phương án bảo trì công trình theo quy định khi thiết kế.

Nhà nước quy định công việc bảo trì công trình xây dựng được thực hiện theo các cấp: duy tu bảo dưỡng, cấp sửa chữa nhỏ, cấp sửa chữa vừa và cấp sửa chữa lớn. Thời hạn bảo trì công trình được tính từ ngày nghiệm thu đưa công trình xây dựng vào sử dụng cho đến khi hết niên hạn sử dụng theo quy định của nhà thầu thiết kế xây dựng công trình.

          Về quy trình bảo trì công trình xây dựng: Đối với công trình xây dựng mới, nhà thầu thiết kế, nhà sản xuất thiết bị công trình lập quy trình bảo trì công trình xây dựng phù hợp với loại và cấp công trình xây dựng dựa trên cơ sở các tiêu chuẩn kỹ thuật bảo trì công trình xây dựng tương ứng. Theo quy định thì mọi nguồn vốn, mọi hình thức sở hữu đều phải thực hiện công tác bảo trì. Công trình đang sử dụng hoặc hết niên hạn sử dụng nhưng còn sử dụng được phải thuê đơn vị có chức năng đánh giá hiện trạng để lập qui trình bảo trì. Muốn lập qui trình bảo trì phải đánh giá hiện trạng chất lượng công trình so với thiết kế ban đầu, có tính đến tác động qua quá trình sử dụng, vận hành.

          Nội dung công tác bảo trì bao gồm:

Tổ chức điều tra khảo sát, đánh giá hiện trạng, xác định mức độ hư hỏng của các chi tiết, bộ phận công trình, xác định cấp bảo trì, rồi lập quy trình cho từng cấp bảo trì công trình và mức đầu tư tương ứng. Xác định nguồn tài chính để thực hiện công tác bảo trì công trình. Trong nội dung công tác bảo trì phải nêu rõ các chi tiết, bộ phận cần thiết phải bảo trì, các điều kiện, tiêu chuẩn sử dụng, phương thức tổ chức, dự kiến tiến độ thực hiện, biện pháp an toàn cho các thiết bị và con người trong quá trình thực hiện bảo trì công trình.

Trình tự thực hiện bảo trì gồm:

Kiểm tra thường xuyên: Do chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng thực hiện để phát hiện kịp thời dấu hiệu xuống cấp.

Kiểm tra định kỳ: Do các tổ chức và chuyên gia chuyên ngành có năng lực phù hợp với loại, cấp công trình thực hiện theo yêu cầu của chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng. Thời gian phải kiểm tra định kỳ được quy định rõ trong các quy định của nhà nước, cụ thể:

Không quá 3 năm/1 lần đối với các đối tượng: nhà hát, rạp chiếu bóng, rạp xiếc, trường học, bệnh viện, sân vận động, nhà thi đấu, siêu thị và các công trình xây dựng có chức năng tương tự, các công trình chịu tác động môi trường cao.

Không quá 5 năm/1 lần đối với các công trình dân dụng khác (nhà chung cư cao tầng, khách sạn, công sở, nhà làm việc), công trình công nghiệp vật liệu xây dựng, công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Không quá 1 năm/1 lần đối với các công trình di sản văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia và thế giới. [TCXDVN 318]

Sau khi có kết quả kiểm tra định kỳ, tùy theo thực trạng chất lượng công trình mà chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng quyết định chọn cấp bảo trì cho phù hợp.

Kiểm tra đột xuất (kiểm tra bất thuờng): được tiến hành sau khi có sự cố bất thường (lũ bão, hoả hoạn, động đất, va chạm lớn,...), sửa chữa, nghi ngờ về khả năng khai thác sau khi đã kiểm tra chi tiết mà không xác định rõ nguyên nhân hoặc khi cần khai thác với tải trọng lớn hơn. Công việc này phải do các chuyên gia và các tổ chức có đủ điều kiện năng lực thực hiện.

Công tác bảo trì phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn, vệ sinh và môi trường. Tuyệt đối đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận, cho người thi công, người sử dụng và các phương tiện giao thông, vận hành trên công trình. Lựa chọn các biện pháp và thời gian thi công hợp lý nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của tiếng ồn, khói, bụi, rung động,... do xe, máy và các thiết bị thi công khác khi thực hiện các hoạt động bảo trì gây ra, tuân thủ các quy định của Luật bảo vệ môi trường, các quy phạm an toàn lao động, an toàn trong thi công, an toàn trong sử dụng máy móc, thiết bị thi công.

Công tác bảo trì được phân theo các nhóm A, B, C, D tuỳ theo tầm quan trọng của kết cấu, đặc điểm kết cấu, tuổi thọ thiết kế, điều kiện môi trường, mức độ tác động tới xung quanh, độ dễ bảo trì và giá bảo trì bao gồm:

Nhóm A- Bảo trì phòng ngừa: Công trình đặc biệt quan trọng, có liên quan tới an toàn quốc gia, phòng chống cháy nổ và môi trường, công trình thường xuyên có rất nhiều người làm việc hoặc qua lại, công trình không có điều kiện dễ sửa chữa, công trình có tuổi thọ thiết kế đến 100 năm hoặc lâu hơn.

          Nhóm B- Bảo trì thông thường: Các công trình dân dụng và công nghiệp thông thường, có tuổi thọ thiết kế dưới 100 năm và có thể sửa chữa khi cần.

          Nhóm C- Bảo trì quan sát: Công trình tạm, có niên hạn sử dụng dưới 20 năm.

          Nhóm D- Bảo trì không quan sát: Công trình dàn khoan ngoài khơi, công trình ngầm dưới đất, công trình dưới nước.

          Đối với mỗi loại công trình cần có chu trình kiểm tra, cụ thể: Công trình đặc biệt quan trọng là 2 ¸3 năm, công trình thường xuyên có rất đông người làm việc hoặc qua lại là 3 ¸ 5 năm, công trình công nghiệp và dân dụng khác là 5 ¸10 năm, công trình thường xuyên chịu ăn mòn khí hậu biển và ăn mòn hoá chất là 1¸2 năm.

          Việc kiểm tra định kỳ, kiểm tra thường xuyên chưa chú trọng, kiểm tra đột xuất còn hạn chế khi đã có hư hỏng cùng với kiểm tra chi tiết chỉ để tiến hành khắc phục là biện pháp chống chế khi đã xảy ra. Một lần nữa chúng ta nên có trách nhiệm chú trọng đến công tác bảo trì công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình thuộc sở hữa nhà nước để tránh lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, điều đó góp phần tiết kiệm nguồn tài chính của xã hội, của nhân dân./.

Ths. Đỗ Hải Nam - Sở Xây dựng
Tác giả: thanh.bm    Thời gian: 27/4/2012 07:44
Anh em nào đã từng làm Bảo trì XDCB. Mức chi phí hàng năm cho việc duy tu bảo trì này được dự trù như thế nào? Hoặc bao nhiêu % trong CP XDCB. Trong khi lập dự án, Phân tích hiệu quả dự án có Phần chi phí Duy tu XDCB, mình thấy mỗi người đưa ra 1 mức khác nhau?
Anh em nào đã làm thì cho ý kiến nhé!
Tác giả: TamMinhNguyen    Thời gian: 27/4/2012 08:10
Bạn tham khảo Nghị định Số: 114/2010/NĐ-CPvề bảo trì công trình xây dựng

- Chương IV: Chi phí bảo trì công trình

Điều 19. Nguồn kinh phí bảo trì công trình

Kinh phí bảo trì công trình được hình thành từ các nguồn sau đây:

1. Ngân sách nhà nước (ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) phân bổ hàng năm;

2. Nguồn thu phí sử dụng công trình xây dựng ngoài ngân sách nhà nước;

3. Nguồn vốn của chủ đầu tư, chủ sở hữu đối với các công trình kinh doanh;

4. Nguồn đóng góp và huy động của các tổ chức, cá nhân;

5. Các nguồn vốn hợp pháp khác.

Điều 20. Trách nhiệm chi trả chi phí bảo trì công trình

1. Những người sau đây có trách nhiệm chi trả chi phí bảo trì công trình:

a) Chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp khác theo quy định của pháp luật;

b) Chủ sử dụng công trình đối với công trình đã đưa vào sử dụng;

c) Đối với công trình có nhiều chủ sở hữu, các chủ sở hữu có trách nhiệm chi trả chi phí bảo trì phần sở hữu riêng của mình và chi trả chi phí bảo trì phần sở hữu chung của công trình.

2. Các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định này và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn việc phân chia và chi trả chi phí bảo trì phần sở hữu chung của công trình nêu tại điểm c khoản 1 Điều này.

Điều 21. Chi phí lập, thẩm tra và điều chỉnh quy trình bảo trì công trình

1. Chi phí lập, thẩm tra quy trình bảo trì công trình

a) Chi phí lập, thẩm tra quy trình bảo trì công trình được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình.

b) Chi phí lập, thẩm tra quy trình bảo trì công trình đối với công trình đã đưa vào sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì được tính trong chi phí bảo trì công trình.

2. Chi phí điều chỉnh quy trình bảo trì công trình nằm trong chi phí bảo trì công trình. Nhà thầu lập quy trình bảo trì công trình có trách nhiệm chi trả chi phí thực hiện điều chỉnh quy trình bảo trì công trình trong trường hợp việc phải thực hiện điều chỉnh này do lỗi của mình gây ra.

Điều 22. Dự toán bảo trì công trình

1. Dự toán bảo trì công trình (sau đây gọi tắt là dự toán bảo trì) được xác định theo công việc bảo trì cụ thể và là căn cứ để chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình được chủ sở hữu ủy quyền quản lý chi phí bảo trì công trình.

2. Dự toán bảo trì được lập căn cứ trên cơ sở khối lượng các công việc xác định theo kế hoạch bảo trì và đơn giá xây dựng phục vụ bảo trì công trình để thực hiện khối lượng công việc đó.

3. Chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự toán bảo trì theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 22 và Điều 23 Nghị định này đối với các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện.

Đối với các công trình sử dụng nguồn vốn khác, khuyến khích chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự toán chi phí bảo trì theo quy định khoản 1, khoản 2 Điều 22 và Điều 23 Nghị định này.

4. Các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định này và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ phương pháp lập định mức xây dựng phục vụ bảo trì công trình do Bộ Xây dựng hướng dẫn, tổ chức xây dựng và công bố các định mức xây dựng phục vụ bảo trì cho các công trình phù hợp với đặc thù của Bộ, địa phương và gửi về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý.

Điều 23. Thẩm định, phê duyệt dự toán bảo trì

1. Chủ sở hữu công trình hoặc người được ủy quyền phê duyệt dự toán bảo trì sau khi đã thẩm định hoặc thẩm tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phê duyệt dự toán bảo trì công trình khác có liên quan. Nội dung thẩm định bao gồm:

a) Kiểm tra sự phù hợp giữa khối lượng chủ yếu của dự toán với khối lượng thực hiện;

b) Kiểm tra tính đúng đắn, hợp lý của việc áp dụng, vận dụng đơn giá xây dựng phục vụ bảo trì công trình, định mức chi phí tỷ lệ, dự toán chi phí tư vấn và dự toán các khoản mục chi phí khác trong dự toán bảo trì;

c) Xác định giá trị dự toán bảo trì.

2. Trường hợp chủ sở hữu công trình hoặc người được ủy quyền không đủ điều kiện, năng lực thẩm định thì được phép thuê tổ chức, cá nhân tư vấn đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm chuyên môn để thẩm tra dự toán công trình. Tổ chức, cá nhân tư vấn thực hiện thẩm tra dự toán bảo trì chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu công trình hoặc người được ủy quyền về kết quả thẩm tra.

Điều 24. Quản lý, thanh toán, quyết toán chi phí bảo trì công trình

1. Đối với công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền có trách nhiệm quản lý, thanh toán, quyết toán kinh phí bảo trì công trình theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định của pháp luật.

2. Đối với công trình xây dựng không sử dụng vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước để thực hiện bảo trì, chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền chịu trách nhiệm quản lý kinh phí thực hiện bảo trì và thanh toán, quyết toán chi phí bảo trì trên cơ sở thỏa thuận với tổ chức, cá nhân thực hiện công việc bảo trì công trình.

nd114-2010 bao tri cong trinh xay dung.pdf

653.29 KB, Lượt tải về: 2996


Tác giả: thanh.bm    Thời gian: 25/5/2012 22:38
Tiêu đề: Chi phí Bảo trì, bảo dưỡng hàng năm của Dự án?
Trong phân tích, đánh giá hiệu quả dự an đầu tư. Khi xác định các thông số của dự án, có phần xác định "Chi phí bảo trì, bảo dưỡng hàng năm (Sửa chữa, bảo dưỡng) của Công trình". Một vài đồng nghiệp có tính chi phí này, một số không tính. Hầu hết các đồng nghiệp đều tính theo phương pháp tỷ lệ % trong suất vốn đầu tư.

1. Vậy chi phí này có được tính là thành phần chi phí hoạt động hàng năm của Dự án? Bỏ hay không bỏ? Trường hợp nào được bỏ? TH nào không được bỏ?
2. Nếu tính thì tính bao nhiêu? (Tỷ lệ %?) hay tính bằng phương pháp nào?
3. Có văn bản nào quy định rõ vẫn đề này không?

Mình thấy có nhiều anh em còn lơ tơ mơ. Chúng ta cùng thảo luận vấn đề này để rõ hơn, anh em cùng thảo luận ?

Thanks all!

P/s: Gửi anh em 1 File tính toán có Chi phí bảo dưỡng, sửa chữa (XD:  2%, Thiết bị 5%.....đúng hay sai ?)
KhachSan9Tang.xls (175.5 KB, Lượt tải về: 3172)