Phần mềm ôn thi sát hạch chứng chỉ hành nghề xây dựng
Tiêu đề: [Chia sẻ] Các sai nhầm nghiêm trọng trong xây dựng kể cả lâu năm [In trang]
Tác giả: fubi Thời gian: 10/2/2017 14:02
Tiêu đề: [Chia sẻ] Các sai nhầm nghiêm trọng trong xây dựng kể cả lâu năm
Mình nêu ra các sai nhầm trước, giải thích chi tiết sau nếu các bạn yêu cầu:
1. Không thèm đọc quy định Nhà nước hoặc đọc đại khái sơ lược, nhầm lẫn hoặc dùng từ ngữ khái niệm không chuẩn xác dẫn đến xử lý mơ hồ, lơ tơ mơ. Dùng câu từ khái niệm phải hiểu rõ nó là gì? ý nghĩa cụ thể thế nào chứ đừng lơ mơ.
Ví dụ: "bản vẽ thiết kế" thì mới chung chung không có ý nghĩa mà phải là bản vẽ thiết kế bước nào? Dự án/Công trình/Hạng mục nó là gì phân định cho rõ? Phát sinh hợp đồng khác tăng giảm khối lượng là gì đừng dùng nhầm lẫn lung tung xà beng được...
2. Cho rằng: Dự toán phê duyệt của Chủ đầu tư chính là thước đo chuẩn mực để thanh quyết toán cho nhà thầu thay vì hợp đồng đã ký 2 bên mới là chuẩn mực.
3. Sau khi ký xong hợp đồng, khi thực hiện lại đi tìm văn bản quy định để hành xử những nội dung đã nêu trong hợp đồng về tạm ứng, thanh toán, bù giá, phát sinh... mà đúng ra chỉ căn cứ duy nhất vào hợp đồng và các quy định liên quan đến điều khoản hợp đồng đã nêu.
4. Cho rằng: Chỉ định thầu không phải là đấu thầu. Đúng ra theo luật, chỉ định thầu vẫn thuộc "Đấu thầu" vì đấu thầu có ý nghĩa rộng hơn: Nó là quá trình lựa chọn nhà thầu. Chỉ định thầu chỉ là 1 trong số hình thức của quá trình lựa chọn nhà thầu mà thôi.
5. Tạm ứng khác hoàn toàn với thanh toán. Rất nhiều người cứ nhầm lẫn thanh toán với tạm ứng. Nên dẫn đến thủ tục hồ sơ sai bét nhè.
6. Khi có phát sinh cứ bảo nhà thầu thi công làm đi, sau khi làm xong thì mới đi phê duyệt rồi mới ký hợp đồng mà không thèm phê duyệt quản lý phát sinh ngay khi trước thi công theo quy định, sau đó mới ký phụ lục hợp đồng rồi mới được thi công phần phát sinh đó.
7. Hợp đồng Trọn gói mà cứ đi nhăm nhe cắt khối lượng, so định mức cắt đơn giá.
8. Vốn tư nhân tiền của ta nên thích làm gì thì làm mà không quan tâm đến quy định của Nhà nước liên quan đến dự án.
9. Xem định mức BXD là chuẩn mực để dự thầu mà đúng ra nó chỉ là tham khảo, còn lại do chính nhà thầu tự quyết định chào giá theo năng lực, chiến lược của mình.
10. Thiết kế mà không thèm đọc nghiên cứu kỹ càng quy định quy chuẩn bắt buộc, tiêu chuẩn bắt buộc trong kiến trúc, PCCC, ... lơ tơ mơ về nội dung các bước thiết kế nên thiết kế sai nhầm mà không biết, cãi chày cãi cố, cứ nghĩ thẩm định bắt chẹt.
Thi công mà không biết thi công theo tiêu chuẩn nào nên bị bắt chẹt mà không biết, không hay.
11. Làm việc mà không biết vai trò, trách nhiệm, quyền hạn vị trí công việc của mình. Dẫn đến xử lý sai, xử lý vượt thẩm quyền hoặc không tròn trách nhiệm. Dẫn đến: "Đúng thì kể công, sai thì trốn đổ tội". Có sợi dây kinh nghiệm dài đến nỗi rút hoài không bao giờ kết thúc.
... Thân ái!
Tác giả: conghoa Thời gian: 10/2/2017 15:08
@anh fubi
Em đã từng làm thiết kế (công ty cũng to to), đã từng làm đấu thầu của chủ đầu tư lớn, em thấy với những điều anh chia sẻ là không sai. Nhưng vào thực tế kể ra cũng khó áp dụng.
Em ví dụ về các bước đưa nhà thầu vào thi công:
- Gọi một lô nhà nhầu đến chào giá
- Lấy giá đó để ép ngược lại những nhà thầu đang thi công tại công trường
- Đưa ra một miếng bánh ngon nghẻ để nhà thầu vào thi công, sau đó lại bàn giao thêm khối lượng, rồi lại ép tiến độ cái khối lượng mới bàn giao đó. Nhà thầu nào mạnh thì ko sao, chứ nhà thầu yếu là bung lụa luôn
- .v.v.
Qua đó có thể thấy, để mà thay đổi được những cái đang diễn ra thì chỉ có thể thay đổi tư duy của Chủ đầu tư thì mới khá được. Mà thay đổi được cái đó lại khó khả thi :)
Chủ đầu tư nào cũng muốn tiến độ, giá thành rẻ, chất lượng tốt, những điều về thiết kế thì họ lại đủ khả năng để "chạy" nên thiết kế có phản đối cũng không được.
Tóm lại là, nếu làm việc được với một chủ đầu tư chuyên nghiệp, các nhà thầu sẽ dễ thở hơn.
Tất nhiên, việc linh hoạt trong thiết kế và thi công là điều cần thiết. Nhà thầu nào nắm bắt tốt được quy trình làm việc của chủ đầu tư thì sẽ trụ được lâu.
Tác giả: fubi Thời gian: 13/2/2017 06:13
Vấn đề ở đây không phải như bạn nghĩ:
1. Về thiết kế: đều phải do cơ quan quản lý Nhà nước thẩm định. Vì vậy họ phải tuân theo quy định. Nhưng trên thực tế mình đã rất nhiều lần chứng kiến, thiết kế:
- Kiến trúc: không hề biết gì đến quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng: ví dụ bao nhiêu thang thoát hiểm là vừa, chiều rộng thang bộ tối thiểu bao nhiêu, cửa phòng rộng tối thiểu bao nhiêu, khoảng cách tối đa từ cửa phòng đến thang thoát hiểm...
Có nghĩa là họ vẽ theo cảm tính suy nghĩ của họ mà thôi.
- Kết cấu: họ không biết áp dụng tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu nào để đưa vào spec. Toàn là copy cắt dán từ các dự án ngày xửa ngày xưa cha truyền con nối mà không biết rằng có nhiều cái tiêu chuẩn đã bị thay thế, sửa đổi...
Chủ đầu tư đã không biết nên thuê Tư vấn. Tư vấn là thầy của CĐT mà lại không biết gì về quy định Quy chuẩn, tiêu chuẩn thì không nên làm tư vấn.
2. Về thi công:
- Vì bạn gặp là công ty yếu cần việc thậm chí gọi là "xin việc" nên bị CĐT thiếu năng lực bắt chẹt. Điều mình chia sẻ ở trên đặc biệt TUYỆT ĐỐI ĐÚNG với các nguồn vốn Nhà nước quản lý. Bởi nếu phát sinh mà không được phê duyệt trước, rồi thương thảo hợp đồng mới thi công (mà làm ngược lại cứ thi công rồi mới ký hợp đồng sau) thì kiểu gì nhà thầu cũng chết. Bởi không ai quyết toán được.
Còn theo kiểu thiếu chuyên nghiệp: phát sinh chú giao anh cứ làm đi thì rồi sẽ biết ra sao ngày sau ngay.
Các Nhà thầu (tư vấn, thi công) làm thuê cho Chủ đầu tư không nên có tư duy sợ Chủ đầu tư như sợ cọp. CĐT thích gì phải chiều nấy. Đó là tư duy của các nhà thầu kém năng lực mà thôi. Mà cuộc chơi, đã kém năng lực thì đương nhiên bị bắt chẹt là điều tất yếu.
Tác giả: conghoa Thời gian: 13/2/2017 07:26
Có thể do em với anh không đứng cùng 1 điểm để đưa ra nhận xét nên có sự khác nhau về quan điểm.
- Anh đang đứng ở bên nhà nước: Nhà nước thì cứ đúng quy trình mà làm
- Em đang đứng ở bên tư nhân: Tư nhân thì cứ đúng tiến độ mà làm, quy trình có thể đảo lộn
Tác giả: painttc Thời gian: 13/2/2017 09:14
"6. Khi có phát sinh cứ bảo nhà thầu thi công làm đi, sau khi làm xong thì mới đi phê duyệt rồi mới ký hợp đồng mà không thèm phê duyệt quản lý phát sinh ngay khi trước thi công theo quy định, sau đó mới ký phụ lục hợp đồng rồi mới được thi công phần phát sinh đó."
- theo em thấy cái này khi thi công sẽ gặp nhiều, đúng bài là phải đợi phê duyệt rồi ký phụ lục hợp đồng luôn để thi công và thanh toán, nhưng mấy công trình phát sinh rất nhiều, cứ mỗi lần phát sinh lại ký 1 lần thì hơi phiền, nên thế mấy ông toàn dồn đến cuối rồi xin 1 lần duyệt 1 lần luôn
Tác giả: leha3011 Thời gian: 13/2/2017 13:02
7. Hợp đồng Trọn gói mà cứ đi nhăm nhe cắt khối lượng, so định mức cắt đơn giá.
Nếu là hợp đồng trọn gói mà trong điều khoản hợp đồng lại là " thanh toán theo khối lượng thực tế ", trong khi khối lượng thực tế lại ít hơn so với hợp đồng thì theo Anh Fubi p-hải xử lý như thế nào?
Tác giả: pham_hoavt90 Thời gian: 14/2/2017 10:00
7. Hợp đồng Trọn gói mà cứ đi nhăm nhe cắt khối lượng, so định mức cắt đơn giá.
Tuy là hợp đồng trọn gói nhưng đa số chẳng có TVTK nào có thể tính chính xác tuyệt đối được KL cần thực hiện => Nên thực tế khi thi công thì thừa thiếu tùm lum. Lại có cả việc CĐT yêu cầu thay đổi thiết kế.
Cụ thể :
Em đang thi công 1 công trình theo HĐ trọn gói. Có phần đèn chiếu sáng ký HĐ với giá : 2.000.000 đ/ cái theo Hợp đồng ( SL : 6.000 cái )
Giờ đùng 1 cái CĐT bảo không phù hợp với cảnh quan nên yêu cầu thay đổi=> mà thay đổi thì giá cả cũng thay đổi, trong khi đấu thầu thì trọn gói, chi phí thì phân bổ tùm lum cho các công việc khác để giá Đèn tăng lên ( Ý đồ là thanh toán phần Đèn nhanh hơn )=> Bây giờ CĐT nhất định k chịu mẫu đèn theo TVTK đưa ra, bắt đổi loại khác đẹp hơn => Chưa biết giải quyết thế nào cho hợp lý.Mong cả nhà góp ý và cho ý kiến giải quyết thế nào cho đúng luật và phù hợp !!!
Tác giả: fubi Thời gian: 14/2/2017 14:34
1. Trường hợp bạn nêu thì CĐT đang làm cái việc là thay đổi phát sinh.
Chấm dứt1 sản phẩm đã đặt hàng đã thỏa thuận và thay bằng 1 sản phẩm khác.
2. Bên bạn nên xem điều khoản hợp đồng quy định đối với phát sinh này như thế nào: CĐT được quyền thay đổi hay không, giá cả thanh toán thế nào? Hợp đồng quy định sao thì xử lý theo vậy thôi.
3. Qua việc này cũng cho thấy kinh nghiệm: khi dự thầu trọn gói mà đem phân bổ lời hết vào 1 công việc, đến khi CĐT chơi chiêu thay đổi chủng loại như trường hợp bạn nêu thì nhà thầu lãnh đủ mà không thể nói gì được.
Tác giả: pham_hoavt90 Thời gian: 15/2/2017 07:50
9. Xem định mức BXD là chuẩn mực để dự thầu mà đúng ra nó chỉ là tham khảo, còn lại do chính nhà thầu tự quyết định chào giá theo năng lực, chiến lược của mình.
- Thường thi khi lập dự thầu, làm gì có Ông nào mà không dùng định mức BXD để xác định đơn giá chào thầu ???? Mà khi dùng định mức thì làm gì có Ông nào dùng đúng 100% ( Lúc thì tăng giảm hao phí, lúc thì dùng mã hiệu công việc không hợp lý để tăng giảm giá cho phù hợp )
- Nếu là HĐ trọn gói thì việc thay đổi các định mức trên không ảnh hưởng gì khi quyết toán. Tuy nhiên nếu là HĐ theo đơn giá điều chỉnh ( Thì sau này các ông thanh tra, kiểm toán Sở mà nhảy vào thì cái định mức nào sai, hay không hợp lý thì vẫn cắt xuống như thường thôi ).
- Giờ còn có nhiều ông CĐT mời thầu trọn gói, mà HS mời thầu còn bắt kê thêm Bảng chi tiết giá dự thầu
. ( Không hiểu mục đích là gì khi đã là mời thầu trọn gói ??? )
P/s : Vài dòng chia sẻ !!!!
Tác giả: fubi Thời gian: 15/2/2017 08:08
Cảm ơn bạn! Chia sẻ rất thực tế nhưng không có nghĩa là tất cả. Việt Nam đang thiếu chuyên nghiệp, chân trong chân ngoài, làm theo quan hệ chứ không thực lực và hiểu biết pháp luật kém nên hay bị bắt chẹt thôi.
1. Thường thi khi lập dự thầu, làm gì có Ông nào mà không dùng định mức BXD để xác định đơn giá chào thầu ???? Mà khi dùng định mức thì làm gì có Ông nào dùng đúng 100% ( Lúc thì tăng giảm hao phí, lúc thì dùng mã hiệu công việc không hợp lý để tăng giảm giá cho phù hợp )
==> Có đấy bạn, điều bạn nói là 1 thực tế với dự án vốn nhà nước thôi, còn vốn tư nhân, vốn nước ngoài họ không cần định mức ấy đâu. Giá thành là của nhà thầu, định mức sản xuất là của nhà thầu quyết định.
Nhưng ngay cả vốn Nhà nước thì các văn bản cũng quy định rõ định mức BXD chỉ tham khảo, các bên tự chịu trách nhiệm khi áp dụng. Và nhà thầu thì toàn quyền quyết định tính giá của mình. Nhưng do trình độ cá nhân của các cơ quan tổ chức quản lý nhà nước còn hạn chế nên cứ bắt bám vào định mức Bộ Xây dựng khi đấu thầu mà thôi. Nhà thầu thị ngại, sợ nên cũng phải theo.
2. Nếu là HĐ trọn gói thì việc thay đổi các định mức trên không ảnh hưởng gì khi quyết toán. Tuy nhiên nếu là HĐ theo đơn giá điều chỉnh ( Thì sau này các ông thanh tra, kiểm toán Sở mà nhảy vào thì cái định mức nào sai, hay không hợp lý thì vẫn cắt xuống như thường thôi ).
Hợp đồng đơn giá điều chỉnh không có nghĩa là thích điều chỉnh gì là điều chỉnh. Chỉ được điều chỉnh trong phạm vi quy định của hợp đồng thôi bạn. Và không có hợp đồng điều chỉnh giá lại đi điều chỉnh định mức đã ký hợp đồng bạn nhé. Do thực tế người ta hiểu sai quy định nên làm sai mà thôi.
Còn định mức sai hay không hợp lý thì phải chấm ngay từ khâu đấu thầu. Còn đã ký hợp đồng rồi thì "bút sa gà chết", nếu sai thì là lỗi ở chủ đầu tư chứ k phải nhà thầu. Nhà thầu được thanh toán theo đúng hợp đồng đã ký. Pháp luật bảo vệ họ trên cơ sở hợp đồng đã ký 2 bên để hành xử.
Nếu bạn đã làm dự án vốn Việt Nam mà Nhà thầu lại là nước ngoài thử xem, đố ông Nhà nước nào cắt được định mức của nó đấy (kể cả giá đó phi lý nhưng đã ký hợp đồng rồi và không thuộc phạm vi điều chỉnh giá). Chỉ có nhà thầu Việt Nam thấp cổ bé họng, chân trong chân ngoài nên mới không dám cãi thôi.
- Giờ còn có nhiều ông CĐT mời thầu trọn gói, mà HS mời thầu còn bắt kê thêm Bảng chi tiết giá dự thầu . ( Không hiểu mục đích là gì khi đã là mời thầu trọn gói ??? )
Cũng được mà, để xem đơn giá đó bất hợp lý hay không trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu mà. Còn khi ký hợp đồng thì chỉ cần đơn giá tổng hợp là xong.
P/s :
- Chủ đề mình nêu ra chính là để hy vọng cảnh tỉnh tư duy theo cái "thói quen" mà quên mất quy định pháp luật và nguyên tắc chuẩn mực nó không phải như họ đang làm, đang nghĩ. Đừng để thói quen xấu, cách làm sai, thiếu chuẩn mực dần dần hằn sâu để trở thành đương nhiên trong xã hội. Muốn phát triển phải thay đổi tư duy, phải có hiểu biết pháp luật 1 cách tường tận trong lĩnh vực mình hoạt động. Vài dòng chia sẻ !!!!
Tác giả: fubi Thời gian: 15/2/2017 15:48
Chi phí dự phòng trượt giá và phát sinh khối lượngThứ Hai, 8/8/2016 14:00
(BĐT) - Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 (Điểm a Khoản 2 Điều 35 và Điểm b Khoản 1 Điều 62) quy định giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế.
Hỏi: Chúng tôi đang tiến hành lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT) cho gói thầu xây lắp áp dụng loại hợp đồng trọn gói, thời gian thực hiện hợp đồng là 06 tháng. Vậy khi lập giá gói thầu trong KHLCNT có cần phải tính toán cả chi phí dự phòng hay không? Trường hợp trong giá gói thầu có bao gồm cả chi phí dự phòng trượt giá, dự phòng phát sinh khối lượng nhưng thực tế khi thực hiện hợp đồng lại không xảy ra trượt giá, phát sinh khối lượng thì xử lý như thế nào và nhà thầu có được thanh toán khoản chi phí dự phòng trượt giá và phát sinh khối lượng hay không?
Trả lời: Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 (Điểm a Khoản 2 Điều 35 và Điểm b Khoản 1 Điều 62) quy định giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế. Khi áp dụng hợp đồng trọn gói, giá gói thầu để làm căn cứ xét duyệt trúng thầu phải bao gồm cả chi phí cho các yếu tố rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng, chi phí dự phòng trượt giá.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì giá gói thầu trong KHLCNT đối với hợp đồng trọn gói và các loại hợp đồng khác đều phải bao gồm chi phí dự phòng. Tuy nhiên, chủ đầu tư cần lưu ý, theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT ngày 26/10/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với các gói thầu có thời gian thực hiện hợp đồng ngắn, không phát sinh rủi ro, trượt giá thì khi lập giá gói thầu, chi phí dự phòng được tính bằng không. Chi phí dự phòng do chủ đầu tư xác định theo tính chất từng gói thầu nhưng không được vượt mức tối đa do pháp luật chuyên ngành quy định (chẳng hạn nếu mức dự phòng tối đa theo quy định của pháp luật chuyên ngành là 10% chi phí xây dựng thì tùy theo quy mô, tính chất của gói thầu để tính toán mức chi phí dự phòng trong khoảng từ 0% đến 10% chi phí xây dựng của gói thầu).
Đối với gói thầu áp dụng loại hợp đồng trọn gói, khi tham dự thầu, nhà thầu phải tính toán và phân bổ chi phí dự phòng vào trong giá dự thầu; không tách riêng phần chi phí dự phòng mà nhà thầu đã phân bổ trong giá dự thầu để xem xét, đánh giá trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu về tài chính, thương mại (Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 06/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 62 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, hợp đồng trọn gói là hợp đồng có giá cố định trong suốt thời gian thực hiện đối với toàn bộ nội dung công việc trong hợp đồng. Việc thanh toán đối với hợp đồng trọn gói được thực hiện nhiều lần trong quá trình thực hiện hoặc thanh toán một lần khi hoàn thành hợp đồng. Tổng số tiền mà nhà thầu được thanh toán cho đến khi hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng bằng đúng giá ghi trong hợp đồng.
Như vậy, việc thanh toán cho nhà thầu thực hiện theo quy định nêu trên mà không phụ thuộc vào việc có xảy ra trượt giá, phát sinh khối lượng nằm trong phạm vi hợp đồng đã ký hay không.
Ban Biên tập
Tác giả: pham_hoavt90 Thời gian: 16/2/2017 08:07
Dear Anh Fubi và mọi người. Sẵn đây nhờ mọi người tư vấn giúp e việc trên luôn nhé :
- Dự toán phần Đèn cũ đã được CĐT phê duyệt là : 10.500.000.000 vnđ ( làm tròn luôn ).
- Dự toán phần Đèn mới thay đổi của đơn vị TVTK gửi CĐT phê quyệt là : 10.200.000.000 ( Nhỏ hơn DT cũ 300 tr => cái này bên em Ok chấp nhận giá ).
Vấn đề là :
1)Khi Chào thầu e có Chỉnh giá đèn lên cao để thanh toán sớm như đã nêu trên ( 2.000.000đ*6.000 cái = 12 tỷ ). ( Bảng giá Dự thầu )
2) Giờ thay đổi chủng loại thì chắc chắn là CĐT sẽ trừ đi 12 tỷ so với giá trị trong HĐ rồi ( Dựa vào phụ lục đơn giá kèm HĐ ) => Tính ra là bên em phải chịu mất 1tỷ8. ( 1T5 + 300tr bị giảm giá )
Khổ nỗi khi đấu thầu thì e đâu lường trước được vấn đề này. Chào thầu thì tất nhiên là phân bổ cái nào có lợi cho mình thôi ( Ai dè lại thiệt mình
)
=> Có cách nào làm giảm bớt thiệt hại không nhờ mọi người tư vấn giúp !!!!
Tác giả: fubi Thời gian: 16/2/2017 08:23
1. Theo bạn đã chia sẻ, Hợp đồng bên bạn cho Chủ đầu tư quyền thay đổi chủng loại vật tư. NHưng bạn xem hợp đồng có cho quyền thay đổi về giá khi thay đổi vật tư k?
Nếu hợp đồng k nói gì về điều này thì bên bạn có thể lý luận rằng: vì hợp đồng trọn gói nên giá cả đã chốt kể cả anh thay đổi chủng loại vật tư. Chì bàn về giá đối với công việc phát sinh mới không có trong hợp đồng.
Nhưng nếu là vốn Nhà nước họ sẽ sợ bị "truy kiểm tra" nên khó mà đồng ý. Còn vốn k phải nhà nước thì họ cũng phải chịu với lý lẽ bên bạn thôi.
2. Nếu là vốn Nhà nước, thường giang hồ người ta hay làm gian kiểu này để giảm bớt thiệt hại:
- 1. "Bắt tay" Chủ đầu tư không đổi chủng loại. Giá tất nhiên giữ nguyên. "Phong bì" cho ông quyết định theo tỷ lệ thỏa mãn nào đó.
- 2. "Bắt tay" Chủ đầu tư vẫn thay đổi chủng loại như ý họ, nhưng lấy báo giá "lậu" sao cho giá bóng đèn không thay đổi so với giá dự thầu. Tiền đúng ra sẽ bị thiệt hại 300 thì chia cho ông cĐT 100 hay theo tỷ lệ nào đấy.
Mình nêu ra bạn tham khảo thôi, chứ không phải xử bạn làm bậy đâu nhé. heee
Tác giả: painttc Thời gian: 16/2/2017 14:46
Chủ đầu tư làm vậy để chắc kèo, sau này khỏi bị kiểm toán, thấy ghi là hợp đồng trọn gói nhưng điều khoản của nó lại làm thành hợp đồng đơn giá cố định không được tính phần phát sinh, hợp đồng chuối nhất trong các loại hợp đồng
Tác giả: thanh.nguyen Thời gian: 17/2/2017 14:42
Chào các anh/chị/em !
Em đang rất mơ hồ về vấn đề này, nghe a Fubi nói nhiều rồi mà chưa gặp được trường hợp nào thực tế rằng lời ăn, lỗ chịu hết.
7. Hợp đồng Trọn gói mà cứ đi nhăm nhe cắt khối lượng, so định mức cắt đơn giá.
Công trình vốn ngân sách nhà nước:
Lý thuyết: Hợp đồng trọn gói là lời ăn, lỗ chịu
Thực tế:
1. Khối lượng thanh/quyết toán =Min(khối lượng hợp đồng;Khối lượng thực tế)
* Công trình đang thi công:
Ví dụ: Công ty em đang thi công công trình khu tái định cư, hợp đồng theo hình thức trọn gói, BQL dự án huyện làm Chủ đầu tư. Khi làm hồ sơ thanh toán Chủ đầu tư yêu cầu thanh toán theo khối lượng thi công thực tế, thành phần nghiệm thu bao gồm Chủ đầu tư, Tư vấn giám sát và Nhà thầu thi công. Sau khi nghiệm thu hoàn thành thực tế theo đúng bản vẽ thiết kế được duyệt thì:
+ Khối lượng đất san nền lớn hơn so với hợp đồng đã ký, nhà thầu yêu cầu ký biên bản nghiệm thu theo khối lượng thực tế thì Chủ đầu tư và Tư vấn giám sát không đồng ý.
+ Mương hộp thoát nước: Nhà thầu thi công đúng bản vẽ thiết kế được duyệt nhưng khi chiết tính lại thì khối lượng nhỏ hơn khối lượng hợp đồng ( do tư vấn lập dự toán tính chưa chính xác). Chủ đầu tư và Tư vấn giám sát yêu cầu cắt phần khối lượng chênh lệch và nghiệm thu thanh toán theo khối lượng thực tế.
=> Nhà thầu cãi thì Chủ đầu tư và Tư vấn giám sát không ký biên bản.
* Công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng:
- Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, sau khi kiểm tra thực tế về đối chiếu hồ sơ phát hiện sai do tính toán số học giữa bản vẽ thiết kế và dự toán ( trường hợp như trên nhưng khi thi công Chủ đầu tư và Tư vấn giám sát không phát hiện) => Kết luận trừ khối lượng nhà thầu
2. Đơn giá thanh/quyết toán: Khi có công văn hướng dẫn của SXD điều chỉnh đơn giá nhân công=> Điều chỉnh đơn giá hợp đồng
* Công trình đang thi công:
Ví dụ: Công ty em đang thi công công trình khu tái định cư, hợp đồng theo hình thức trọn gói, BQL dự án huyện làm Chủ đầu tư, thanh toán lần 1 theo đơn giá hợp đồng. Sau ngày thanh toán lần 1 Sở xây dựng tỉnh ban hành công văn hướng dẫn điều chỉnh đơn giá nhân công trên địa bàn tỉnh, Chủ đầu tư yêu cầu điều chỉnh đơn giá theo công văn hướng dẫn đến khi làm thanh toán khối lượng lần 2 thì áp theo đơn giá điều chỉnh. Lập lại hồ sơ thanh toán lần 1 theo đơn giá điều chỉnh => thu hồi số tiền chênh lệch giữa đơn giá cũ và đơn giá mới của lần thanh toán thứ nhất.
* Công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng:
Ví dụ: Công ty thi công đường bê tông xi măng, có công tác bê tông mặt đường mã hiệu theo định mức và Gỗ làm khe co dãn mã hiệu tạm tính. Thanh tra lục lại hồ sơ dự thầu kiểm tra đơn giá chi tiết phát hiện đơn giá chi tiết công tác bê tông mặt đường có thành phần hao phí gỗ làm khe co dãn => cắt phần hao phí này ( vì đã có riêng công tác gỗ làm khe co dãn mã hiệu tạm tính) => đơn giá hợp đồng thay đổi
Như vậy:
- Nếu như thế là sai có nghĩa cả hệ thống quản lý nhà nước về xây dựng của tỉnh điều sai
- Nếu như thế là đúng thì lời ăn, lỗ chịu ở chổ nào?
Em rất mong được khai sáng vấn đề này, đơn vị nào đã gặp trường hợp căn cứ lời ăn lỗ chịu của hợp đồng trọn gói vốn ngân sách nhà nước mà xử thì cho em xin thông tin liên hệ để xem thực tế với, em ở tỉnh Quảng Ngãi.
Chân thành cảm ơn
Tác giả: fubi Thời gian: 17/2/2017 19:45
Câu chuyên của ban rất thưc tế và phổ biến với vốn Ngân sách Nhà nước và đã đươc chia sẻ bản chất vì sao họ hành xử sai vây mà vẫn làm.
Đáp án tương tư như câu hỏi: tai sao tôi thấy bảo luât cấm vươt đèn đỏ nhưng ở quê tôi đèn có đỏ nhưng manh ai nấy chay có thấy ai nói gì đâu. Vậy là đèn đỏ chạy là đúng đó chứ???
Hợp đồng trọn gói khỏi bàn cãi, trên diễn đàn vừa mới có trả lời chia sẻ ở bài viết "chi phí dự phòng gói thầu trọn gói". Ký sao làm xong thanh toán vậy. Nếu phát sinh ngoài hợp đồng ban đầu tính riêng. Thừa thiếu khối lượng trong phạm vi hợp đồng không được cắt giảm. Lời ăn lỗ chịu.
Câu trả lời cho vấn đề của bạn: chỉ cần đặt vấn đề khác đi là nhà thầu là công ty nước ngoài trúng thầu đường đường chính chính. Làm xong, cắt kiếc nó kiện Chủ đầu tư ra tòa đố mà không dám thanh toán cho Nhà thầu. Còn chuyện chủ đầu tư quản lý kém không kiểm soát ở khâu trước khi ký hợp đồng thì lỗ chủ đầu tư ráng chịu. Thanh tra kiểm tra là núm đầu Cđầu tư mà thu hổi, phat. Nhà thầu tuyệt nhiên đố ai có quyền gì mà lấy tiền hoăc trừ tiền hợp đồng của họ, pháp luật bảo vệ họ thông qua hợp đồng đã ký.
Còn nhà thầu trong nước cũng có pháp luât bảon vệ nhưng chẳng qua thấp cổ bé hong, quan hệ chân trong chân ngoài, CĐT chết nhà thầu cũng lè lưỡi, nên ngậm bồ hòn làm ngọt, lỗi chủ đầu tư nhưng cũng đành gánh giúp để kiếm cái khác bù lại.
Tác giả: huydhxd Thời gian: 17/4/2017 15:17
Trình độ có hạn … tai nạn vô cùng … nói chung không có sự đồng bộ về năng lực thì rất khó làm việc … ngay cả thuê được TV xịn mà NT và CĐT lởm thì cũng nát cả công trường!
Tác giả: mta66 Thời gian: 18/4/2017 08:14
Trong thực tế hiện nay, tư duy của các ban thanh tra, kiểm toán hay Chủ đầu tư là tiết kiệm chi phí trong quản lý dự án. Bởi vậy Luật trên ban hành rõ mồn một, nhưng bên dưới "các bác ấy" vẫn làm theo "cảm tính". Nhà thầu đứng ở phương diện không khác 1 cá nhân đi tìm việc làm. Nếu có "manh động" làm ảnh hưởng tới tình anh em
giữa các bên, thì sau này Nhà Thầu chỉ có đất gặm cỏ mà sống.
Tác giả: kid_a2001 Thời gian: 17/5/2018 15:12
chia sẻ này hay quá, công nhận là lại thành ra thiệt mình.
Chào mừng ghé thăm Phần mềm ôn thi sát hạch chứng chỉ hành nghề xây dựng (https://xaydung360.vn/diendan/) |
Powered by Discuz! X3.2 |